TIN TỨC

Trang chủ / TIN TỨC

Công nghệ giúp giải quyết những bài toán khó của xã hội

Đó là nhận định của Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong hội nghị REV-ECIT 2021, tổ chức ngày 18/12.

 

Hội nghị quốc gia lần thứ XXIV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin REV-ECIT 2021 với chủ đề “Make in Việt Nam, Tư duy đổi mới và Thực tiễn sáng tạo” được Bộ TT&TT bảo trợ và do Hội Vô tuyến – Điện tử việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Bắt đầu từ năm 1990, REV-ECIT đã tập hợp và công bố các báo cáo, các công trình khoa học tiêu biểu cũng như quy tụ những nhà khoa học hàng đầu trên cả nước trong các lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan.

Công nghệ giúp giải quyết những bài toán khó của xã hội - 1

 

Toàn cảnh diễn đàn “Make in Viet Nam: Tư duy đổi mới và Thực tiễn sáng tạo”

Theo ông Nguyễn Việt Hà - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Trong bối cảnh xuất hiện dịch bệnh COVID-19, hội nghị là một cơ hội ý nghĩa với cộng đồng nghiên cứu, đào tạo và giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, đồng thời minh chứng rõ nét công nghệ của chúng ta có thể giải quyết những bài toán khó khăn của xã hội".

Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu cấp cao phụ trách các vấn đề về điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin đến từ các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại sự kiện: "Hội nghị đã tạo ra một diễn đàn khoa học thật sự hấp dẫn để các nhà nhà khoa học, các nghiên cứu viên chia sẻ, trao đổi nghiên cứu kết quả khoa học, lao động sáng tạo của mình, động viên họ nỗ lực hơn nữa để tạo ra các sản phẩm có giá trị, đóng góp cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước" .

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang cùng thế giới bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến sẽ làm thay đổi sâu sắc cách thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động mạnh mẽ cả lên những lĩnh vực đào tạo, giáo dục, nghiên cứu, phát triển cuộc sống xã hội.

"Trong năm 2021, để thúc đẩy tiến trình này, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức như diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng công nghiệp công nghệ số quốc gia về chuyển đổi số. Và hội nghị hôm nay là một điểm nhấn rất đáng kể, một đóng góp quan trọng của cộng đồng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực điện tử truyền thông và quyết tâm chung của cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết 52 của bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như những chủ trương lớn, đột phá chiến lược về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", ông Tâm nhấn mạnh.

Công nghệ giúp giải quyết những bài toán khó của xã hội - 2

Các gian hàng được trưng bày tại sự kiện REV-ECIT 2021.

Hội nghị ghi nhận 102 công trình khoa học đến từ 25 trường Đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau quá trình xét duyệt nghiêm túc với sự tham gia của hơn 200 lượt phản biện, Ban tổ chức hội nghị đã chấp nhận 79 công trình khoa học tiêu biểu (chiếm tỷ lệ 77%) để trình bày và đăng trên kỷ yếu hội nghị. Trong số đó, 33 báo cáo được trình bày trong 6 phiên hội thảo và 46 báo cáo được trình bày dưới dạng poster.

REV-ECIT 2021 được tổ chức với điểm nhấn là Giải thưởng Sản phẩm khoa học công nghệ Điện tử Viễn thông Việt Nam (REV Award 2021) nhằm tôn vinh các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tại các trường Đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam có các sản phẩm khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử - viễn thông có ý nghĩa thực tiễn cao, có tính sáng tạo và đổi mới nhằm phục vụ sự phát triển của đất nước.

Ông Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho biết: "Năm nay là năm đầu tiên Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam khởi động cuộc thi và trao giải cho các sản phẩm về khoa học công nghệ về điện tử - viễn thông REV Awad 2021. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 18 công trình hợp lệ từ các trường Đại học, viện nghiên cứu đăng ký. Hội đã mời và thành lập Ban giám khảo gồm các Giáo sư, Tiến sĩ có uy tín trong ngành điện tử - viễn thông".

Theo TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, năm nay, các công trình nghiên cứu tham gia đa dạng, phong phú, cho thấy sự hoạt động năng động, sáng tạo, bền bỉ của các nhà khoa học, các kĩ sư tại các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin trên cả nước.

"Ngoài các báo cáo mang tính học thuật cao, tại hội nghị còn có có các báo cáo của doanh nghiệp với các chuyên đề bám sát sự phát triển rất năng động của ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin trong cuộc sống, tôi đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của diễn đàn này" - TS. Phan Xuân Dũng cho biết.

Nguồn: https://vtc.vn/cong-nghe-giup-giai-quyet-nhung-bai-toan-kho-cua-xa-hoi-ar652609.html